Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2016

CÔNG TY CỔ PHẦN NHỰA ĐỒNG NAI (DNP) - TIỀM NĂNG DÀI HẠN

Doanh nghiệp đứng đầu về thị phần ống nhựa hạ tầng tại miền Trung và miền Nam, tăng trưởng doanh thu hơn 50%/năm cũng như tăng trưởng lợi nhuận xấp xỉ 100% liên tục trong 2 năm và còn gì nữa...???

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016 - Tăng trưởng ấn tượng
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2016 của DNP tăng trưởng ấn tượng, cụ thể lần lượt là 78% và 114% so với cùng kỳ(nhờ mảng kinh doanh ống nhựa khả quan và đóng góp của mảng nước sạch vào KQKD). DNP đạt được 693 tỷ đồng doanh thu thuần và 44 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (LN cho cổ đông công ty mẹ), tương ứng đạt 42% về doanh thu và 58% lợi nhuận sau thuế của kế hoạch năm 2016.

Biên lợi nhuận gộp trong quý 2 vẫn duy trì ở mức 22% như quý 1 dù giá nguyên liệu có xu hướng tăng trở lại trong quý 1. 
Doanh thu, lợi nhuận sau thuế, lợi nhuận gộp DNP từ 2011 - 2015
                                                                                                Nguồn: BCTC DNP
Triển vọng năm 2016 và năm 2017
5 tháng đầu năm 2016, chỉ số sản xuất chỉ số sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhựa tăng lần lượt là 13,1%yoy và 21,5% yoy, còn xuất khẩu sản phẩm nhựa đạt 872 triệu USD (+5,3%yoy). Tăng trưởng xuất khẩu được kỳ vọng cao trong thời gian tới do nhiều FTAs song phương và đa phương đã và đang được ký kết với các thị trường xuất khẩu chính là EU (25,43%), Nhật Bản (22,98%), Hoa Kỳ (14,66%) và Hàn Quốc (5,99%). Khả năng tăng tưởng xuất khẩu các sản phẩm từ nhựa còn cao hơn nếu TPP chính thức được thông qua.
Giá hạt nhựa sau khi có xu hướng tăng trong quý 1 đã giảm trở lại từ tháng 4/2016 và được dự báo sẽ duy trì ở mức thấp năm 2016, cùng xu hướng với diễn biến giá dầu và do nhu cầu yếu tại thị trường Trung Quốc. Biên lợi nhuận gộp các công ty ngành nhựa sẽ không còn chịu tác động tiêu cực của việc tăng giá nguyên liệu đầu vào.
Sự phục hồi, tăng trưởng trở lại của thị trường bất động sản, xây dựng là một tác động tích cực đến các doanh nghiệp nhựa xây dựng (ống nhựa và thanh profile), trong đó DNP là một trong năm doanh nghiệp dẫn đầu ngành. Riêng mảng ống nhựa hạ tầng ở thị trường miền Trung và miền Nam, DNP là doanh nghiệp dẫn đầu thị phần.
Chiến lược kinh doanh của DNP có sự khác biệt so với các doanh nghiệp sản xuất ống nhựa khác trong ngành là tập trung vào việc tham gia đấu thầu cung cấp đường ống cấp thoát nước; ống đi dây điện...Vì mang tính chất đấu thầu nên bên cạnh chất lượng sản phẩm phải đạt yêu cầu thì giá bán sản phẩm còn phải hợp lý để cạnh tranh với các đối thủ khác trong ngành. Tuy nhiên nhờ sự khác biệt này mà DNP có thể tạo dựng được vị thế dẫn đầu mảng ống nhựa hạ tầng tại khu vực miền Trung và miền Nam.
                                                                     Nguồn: Bloomberg
Tại sao nên đầu tư vào DNP??
Đầu tiên, DNP đã hoàn tất việc thâu tóm TPP (nhựa Tân Phú), một nước cờ chiến lược giúp DNP đặt chân vào lĩnh vực nhựa công nghiệp, bởi TPP là một trong những đơn vị dẫn đầu về sản xuất và cung cấp chai PET trong ngành F&B, TPP cũng là một trong những công ty đầu tiên của Việt Nam sản xuất loại nhựa HDPE, PET, PP. Sản phẩm TPP được phân phối chủ yếu tại miền Trung, miền Nam Việt Nam và xuất khẩu sang thị trường Campuchia, Thái Lan, Nhật Bản.
Khách hàng của TPP là hàng loạt những tên tuổi lớn như Ajnomoto, Sabeco, Pepsi, Coca-Cola, Nestle, Vietnam Airlines, P&G…
Trong thời gian tới, bên cạnh việc tập trung vào các sản phẩm nhựa công nghiệp truyền thống, TPP sẽ thực hiện sản xuất các sản phẩm phụ tùng công nghiệp cho DNP trên dây chuyền hiện tại với khuôn mẫu được đầu tư từ DNP.
Phòng thử nghiệm Nhựa Đồng Nai được bộ khoa học công nghệ chứng nhận đạt tiêu chuẩn theo ISO/IEC 17025:2005
Đầu tư kinh doanh nước sạch – Một bước đi đầy khôn ngoan
Thiếu nguồn cung nước sạch ở các tỉnh và ngay cả một số khu vực của Tp.Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng như tình trạng xâm nhập mặn đang là những vấn đề cấp bách, mang tính thời sự cần được giải quyết ở nước ta.

Tại sao đầu tư mảng nước sạch là bước đi đầy khôn ngoan của DNP?
Vì DNP đang là doanh nghiệp dẫn đầu thị phần của ống nhựa hạ tầng (cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, tưới tiêu nông nghiệp) nên DNP có thể tận dụng được lợi thế sẵn có, tạo được dòng tiền trên chính các dự án cung cấp ống nhựa của mình qua mảng nước sạch. Một dự án 2 nguồn lợi nhuận. Bên cạnh đó, biên lợi nhuận ròng của ngành kinh doanh nước khá cao lên đến 20%.
Theo đó, DNP đã hoàn tất thâu tóm công ty cổ phần Bình Hiệp, đơn vị sơ hữu nhà máy nước Cà Giang quy mô 30.000m3/ngày đêm, cung cấp nước cho khu vực Phan Thiết, Bình Thuận. Năm 2016 hoàn thành nâng công suất lên 60.000 m3/ngày đêm. Song song đó, công ty khởi công xây dựng nhà máy Nhị Thành (2017) tại Long An với công suất giai đoạn 1 là 30.000 m3/ngày đêm (tổng công suất thiết kế 60.000 m3/ngày đêm).
Tại các tỉnh miền Tây, DNP dự kiến sẽ xây dựng nhà máy nước mặt tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Nhà máy có công suất thiết kế 30.000m3/ngày đêm nhằm cấp nước sạch dân sinh phục vụ địa bàn các xã Cai Lậy, Cái Bè và Thị xã Cai Lậy của tỉnh Tiền Giang. Và gần đây cuối tháng 8/2016, DNP đã mua lại cổ phẩn chi phối công ty cổ phần Nhà máy nước Đồng Tâm với công suất 50.000 m3/ngày đêm, đến năm 2020 công suất dự kiến là 90.000 m3/ngày đêm.
Tại thị trường miền Bắc, DNP thành lập công ty con là công ty cổ phần đầu tư hạ tầng nước DNP – Bắc Giang, mục đích nhằm thực hiện đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt tại tỉnh Bắc Giang với tổng công suất 60.000 m3/ngày đêm.
Các nhà máy nước hiện hữu và đang xây dựng gẫn như sẽ có tại cả 3 miền Bắc Trung Nam, dự kiến đến năm 2020, tổng công suất của các dự án là 200.000 m3/ngày đêm, trở thành ngành đóng chính về lợi nhuận cho công ty.
Chưa dừng lại ở đó, triển vọng tăng giá nước trong thời gian tới tác động tích cực đến mảng nước sạch của DNP.
Giá nước tại các khu vực nông thôn và đô thị nhỏ sẽ còn nhiều tiềm năng để tăng do chênh lệch đáng kể về giá nước so với các tỉnh thành lớn (Trong giai đoạn 2012 – 2015, giá nước sạch tại Hà Nội đã tăng bình quân 14% - 19%/năm. Tại Tp.Hồ Chí Minh, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn đang đề xuất lộ trình tăng giá nước trong vòng 5 năm tới (2015-2019), với mức tăng bình quân là 10,5%/năm) và thấp hơn nhiều so với mức trần quy định của Bộ Tài Chính.
Riêng Sở Tài chính vừa trình UBND TP.HCM lộ trình giá nước sạch 2016 - 2020. Tỉ lệ tăng giá hằng năm với mức 7,9%. Do đó, giá nước gần như chắc chắn sẽ tăng, chỉ còn là vấn đề về thời gian.
Xấp xỉ 100% là tốc độ tăng trưởng LNST của DNP từ 2013 – 2015
LNST 6 tháng đầu năm 2016 đạt 44 tỷ gần bằng LNST cả năm 2015, do đó khả năng LNST tiếp tục tăng trưởng 100% hoàn toàn có thể xảy ra sau khi DNP đã thâu tóm nhựa Tân Phú, công ty cổ phần Bình Hiệp, công ty cổ phần Nhà máy nước Đồng Tâm.
DNP đang giao dịch tại mức PE là 10.13 thấp hơn so với 2 doanh nghiệp đầu ngành là NTP (14.39) và BMP (13.05). EPS forward 2016 dự kiến đạt 3700 đ/cp nên vùng giá hiện tại của DNP còn khá hấp dẫn.
Cơ cấu cổ đông cô đặc, hầu hết các thành viên hội đồng quản trị đều sở hữu cổ phần công ty, đặc biệt chủ tịch HĐQT, ông Vũ Đình Độ nắm giữ gần 10% số lượng cổ phiếu của công ty. Do vậy, không có lý do gì ban lãnh đạo không đặt toàn bộ tâm huyết vào công ty nhắm tối đa lợi ích của cổ đông và cũng là cho chính họ.

Hoàng Long

Ghi chú: Bài viết dưới góc nhìn của tác giả, không mang tính khuyến nghị mua hay bán.



1 nhận xét: